Tiến độ xây dựng chung cư cũ “ì ạch”


Sau gần 10 năm thực hiện, Hà Nội mới chỉ xây dựng được 9 khu chung cư cũ trên tổng số 200 khu cần được đập đi xây mới. Từ kết quả này cho thấy, công cuộc xây mới chung cư là rất khó khăn.
b22 Tiến độ xây dựng chung cư cũ “ì ạch”
Tiến độ “rùa bò”
Đầu năm 2009, sau khi phá dỡ tòa chung cư cũ C1, khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình), các hộ dân tại đây được bố trí đến nơi tạm cư, chờ công trình chung cư mới trên nền đất cũ hoàn thành sẽ chuyển về. Thế nhưng, gần bốn năm trôi qua dự án xây mới nhà C1 vẫn án binh bất động.
Dự án cải tạo hàng loạt tòa nhà thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) được triển khai từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Việc giải phóng mặt bằng nhà A1, A2 – hai tòa nhà nằm trong diện nguy hiểm nhất ở đây – được tiến hành hơn một năm nay vẫn còn dang dở.
Tương tự, dự án cải tạo nhà B1, khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa) vẫn đang vướng vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Theo đó, nếu theo chỉ tiêu quy hoạch đã phê duyệt, dự án này chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1/4 số dân hiện có, số còn lại buộc phải tái định cư – điều này cư dân không đồng tình.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu cho biết, cải tạo chung cư cũ hiện nay không khác gì “húc đầu vào đá”. Mặc dù các dự án cải tạo chung cư cũ, chủ đầu tư không phải trả tiền thuê đất, nhưng với diện tích phải đền bù căn hộ cho dân từ 1,8 đến 2,4 lần, chi phí thuê nhà cho người dân trong quá trình cải tạo, đặc biệt là Thành phố lại giới hạn chiều cao, thì không thể làm được.
Ông Hiệp lấy ví dụ, với Dự án chung cư số 17 – Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội), để hoà vốn, chủ đầu tư phải thiết kế chiều cao tối thiểu 17 tầng, nhưng Thành phố chỉ cho xây 14 tầng, doanh nghiệp sẽ lỗ nặng.
Một vấn đề khác làm “nản lòng” không ít chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ là đòi hỏi quyền lợi quá lớn từ phía người dân. Khảo sát của Viện Quy hoạch – Xây dựng Hà Nội cho thấy, hầu hết khu chung cư cũ đều đã xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, các căn hộ đều bị cơi nới “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng. Nhiều lô nhà chung cư cũ đã bị lún hơn 1,2 m so với mặt nền ban đầu, kết cấu bị nứt, làm giảm khả năng chịu lực của tòa nhà… Tuy nhiên, khi có dự án đền bù, các hộ dân đòi đền bù rất cao, với diện tích đền bù trung bình là căn hộ mới gấp đôi căn hộ cũ; các hộ dân tầng 1 còn yêu cầu có ki-ốt kinh doanh miễn phí nếu công trình có khu trung tâm thương mại…
Gỡ rối trong việc xay chung cư cũ.
Trước những vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong vòng 5 năm qua Hà Nội mới hoàn thành cải tạo 9 khối nhà trong đó yêu cầu đặt ra là 200 khối cần được cải tạo hoặc xây dựng lại vì đang trong tình trạng nguy hiểm, xuống cấp.
Sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó, những chung cư hiện nay đa số là đã bán cho người dân theo Nghị định 61, nên sở hữu chung cư chủ yếu thuộc các hộ dân, họ không thiết tha trong việc sửa chữa, chưa nói đến cơi nới, mất mĩ quan…
Thứ hai, việc cải tạo cần nguồn lực rất lớn, trong khi các chung cư đa số nằm ở khu trung tâm, người dân không muốn đi đến nơi khác. Vì vậy, Nhà nước cần phải vào cuộc. Bộ Xây dựng đã soạn thảo, trình Chính phủ Nghị định về cải tạo, xây dựng chung cư cũ theo nguyên tắc trước hết phải lập kế hoạch cải tạo, phân loại các chung cư: loại cần khẩn cấp xây dựng lại, loại phải cải tạo sửa chữa, loại phải sửa sang ít hơn, tức là xác định rõ lộ trình… Phải có chính sách khuyến khích người dân tái định cư ở nơi khác thay vì tái định cư tại chỗ…
Thứ ba, Chính quyền địa phương và Nhà nước phải xây dựng các khu ở mới khang trang, hiện đại, đầy đủ hạ tầng xã hội để người dân có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ, ở nơi cũ có thể đấu giá để thực hiện theo quy hoạch… Việc này cần sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của Bộ Xây dựng mà còn của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp…

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét